PDA

View Full Version : Quán cơm 2000đ - cổ tích ngay giữa Sài Gòn



qualong
10-22-2012, 07:19 PM
Một quán cơm dành riêng cho học sinh, sinh viên và những người nghèo khó trên địa bàn TPHCM chỉ với một mức giá 2000 đồng một phần, đã thu hút hàng trăm người đến ăn mỗi ngày.

"Từ ngày 12/1, quán cơm TỪ THIỆN 2.000 đồng mở tại địa chỉ 14/1 đường Ngô Quyền, phường 5, quận 10 - Saigon (thứ 3-5-7 từ 11h-1h). Hãy đưa thông tin này đến những người có hoàn cảnh khó khăn, những bé lang thang, cơ nhỡ, những người thực sự cần đến những bữa cơm. Hãy chuyển đến bạn bè của mình. Cảm ơn các bạn nhiều lắm!"

Chúng tớ biết đến "Quán cơm Từ Thiện" này qua một mẫu tin nhắn YM được truyền tay nhau trong cộng đồng mạng như thế. Lần theo địa chỉ được ghi một cách rõ ràng và rành mạch trong tin nhắn, chúng tớ tìm đến một con hẻm nhỏ nằm trên đường Ngô Quyền. Nói thật, ban đầu chúng tớ vẫn còn chút cảm giác nghi ngờ về tính thực hư của tin nhắn ấy trên YM, bởi lẽ báo chí và bạn bè cũng đã nhắc nhở nhiều về những trò đùa vô ý thức của một số bạn khi tạo ra những tin nhắn giả nhằm những mục đích không hề tốt đẹp trước đây. Nhưng lần này là thật các bạn ạ, đang có một quán cơm từ thiện rất thật tồn tại trong lòng thành phố được lập nên bởi những trái tim rất thật, rất ấm áp giữa con người với con người.

Những bữa cơm trưa ấm áp nghĩa tình

Trong một ngôi nhà nhỏ của một con hẻm nhỏ, những phần cơm được truyền tay nhau ấm áp đến kỳ diệu. Nó không chỉ đơn giản là sự sẻ chia một bát cơm mang giá trị vật chất mà nó còn là sự đồng cảm, chia sẻ tình thương giữa những cá nhân trong xã hội với nhau, điều mà trong cuộc sống thực dụng hiện nay rất khó để có thể tìm được.

Từ những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, đến những bạn bị tật nguyền, và cả những hoàn cảnh bán vé số, lượm ve chai...chỉ với 2000 đồng, mọi người đều có thể tìm thấy cho mình một bữa cơm thật sự.

Chắc chắn là sẽ có một số bạn nghi ngờ một tẹo về chất lượng của bữa cơm, bởi lẽ, 2000 đồng thì làm sao có được một phần cơm tử tế? Nhưng không, một phần cơm ở đây có đầy đủ cá, thịt, rau, canh và có cả trái cây tráng miệng nữa chứ! Rất đầy đủ phải không? Một anh quản lý ở đây cho biết, ban đầu cả hội định là sẽ không tính tiền luôn nữa cơ, nhưng nếu làm như thế thì chắc chắn các bạn sinh viên sẽ mặc cảm và còn những người có hoàn cảnh khó khăn khác cũng sẽ như thế, nên cả hội bàn nhau là chỉ lấy giá 2000 đồng để mọi người không cảm thấy ngại ngùng nữa.

Nhìn thấy cái cảnh mọi người xếp hàng dài từ cổng chính cho đến tận ngoài đường cái thẳng tăm tắp, già, trẻ, bé, lớn ai ai cũng đến đây để có được một phần cơm ngon mới thấy quán cơm này đáng quý biết bao nhiêu. Ít nhất, nó cũng giúp cho các bạn sinh viên ở tỉnh xa, gia đình khó khăn có được một bữa cơm đúng nghĩa.

http://i1212.photobucket.com/albums/cc451/qualong/IMG1841.jpg
Quán luôn đông đúc như thế này đây.

http://i1212.photobucket.com/albums/cc451/qualong/IMG1846.jpg
Cơm được phân theo từng loại để mọi người dễ ăn hơn.

http://i1212.photobucket.com/albums/cc451/qualong/IMG1856.jpg
Một hàng dài người đợi...Mỗi ngày ước chừng quán có 300-400 người ghé đấy!

Mỗi bát cơm, mỗi hoàn cảnh.

Quán cơm này không phải do một cá nhân đơn lẻ nào thành lập mà nó do website http://www.nguoitoicuumang.com/ thực hiện. Được biết, thành viên trong diễn đàn này ước chừng khoảng gần 3 ngàn người và chính họ là người đã chắt chiu, đóng góp thành lập nên quán cơm từ thiện.
Một thành viên đứng ra quản lý quán cơm cho biết, ở đây không chỉ đơn thuần là giúp cho nhau một bữa cơm rồi sau đó mặc kệ họ ra sao, có những trường hợp mọi người tìm hiểu kỹ càng, tìm đến tận nhà rồi chung tay giúp đỡ họ một cách thiết thực, như là gửi một ít tiền hàng tháng để họ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn chẳng hạn. Bên cạnh đó, quán cơm Từ Thiện còn có những hoạt động khác như phát cơm, cháo miễn phí tại bệnh viện Gia Định (Sài Gòn), bệnh viện Huế (Huế) vào ngày chủ nhật, bệnh viên Việt Đức (Hà Nội) vào ngày thứ 7, chủ nhật. Như vậy, hoạt động rất ý nghĩa này không chỉ gói gọn ở khu vực miền Nam, mà nó còn lan đến miền Trung và miền Bắc nữa đó.

Trò chuyện với một bác khoảng 40 tuổi đến quán với đứa cháu còn mặc nguyên bộ đồng phục đi học, được biết bác đã đến đây 4,5 lần rồi, còn đứa cháu thì mới 2 lần thôi. Bác vừa mới thất nghiệp, gia đình khó khăn lắm, buổi trưa đứa cháu cứ than đói nên hai bác cháu đến đây ních bụng cho no một chút rồi lại bắt đầu bước ra ngoài cuộc sống bươn chải.

Hoặc như cũng có những trường hợp được các anh quản lý ở đây bật mí rằng: "Có nhiều bác bán vé số, hoàn cảnh chật vật lắm nhưng vẫn nuôi 2, 3 người con vào đại học lận."

Không chỉ dừng lại ở hoàn cảnh của những con người tại quán cơm, mà tại trang web, trong mỗi diễn đàn, đối với mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi nguời còn gửi cho nhau những lời động viên, chia sẻ, cùng giúp nhau vượt qua số phận. Như trường hợp của một cô bị liệt 2 chân, chồng cô bỏ đi, một mình cô nuôi hai con nhỏ. Đã có lúc cô muốn từ bỏ cuộc sống, buông tay tất cả, nhưng nhờ những lời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của các bạn trong diễn đàn nói riêng và mọi người xung quanh nói chung mà cô đã có nghị lực để sống tiếp. Đó cũng là một điều kỳ diệu phải không? Thế mới biết rằng, trong cuộc sống, "Người và người sống để yêu thương nhau".

http://i1212.photobucket.com/albums/cc451/qualong/IMG1858.jpg
Các em học sinh cũng đến đây ăn cùng mọi người.

http://i1212.photobucket.com/albums/cc451/qualong/IMG1861.jpg

http://i1212.photobucket.com/albums/cc451/qualong/IMG1865.jpg

http://i1212.photobucket.com/albums/cc451/qualong/IMG1874.jpg
Các bạn học sinh sinh viên đến đây rất đông
Theo kenh24.VN

qualong
10-22-2012, 07:25 PM
TT - 11g, quán cơm xã hội Nụ Cười (6 Hồ Xuân Hương, quận 3, TP.HCM) mới bắt đầu bán phiếu. Nhưng mới hơn 10g, tôi thấy một người đàn ông trạc 60 tuổi, gầy gò, áo quần bạc thếch, đứng trước cửa quán.

http://i1212.photobucket.com/albums/cc451/qualong/ImageViewaspx.jpg
Khách đến ăn tại quán cơm xã hội Nụ Cười - Ảnh: T.ĐẠM

Ông im lặng chăm chú đọc những tấm bảng treo trước quán: : “Cơm trưa 2.000 đồng - vào cửa tự do”; thực đơn: “Gà kho gừng - Xào chua ngọt - Canh cải thịt bằm - một miếng đu đủ - Cơm canh không hạn chế - Trà đá miễn phí - Giữ xe miễn phí”.

Thấy ông đứng ngoài nắng, một cô tình nguyện viên vội bước ra mời ông vào. Ông cứ chần chừ rồi rụt rè hỏi: “Thiệt không cháu, hai ngàn?...”. Cô tình nguyện viên cười: “Dạ, thiệt mà, bác chịu khó vào ngồi đợi tí. 11g bác đến quầy này mua cái phiếu rồi vào lấy cơm...”.

Nụ cười của khách hàng

Có lẽ không riêng gì người đàn ông ấy, nhiều người mới đến quán lần đầu đều hỏi như vậy. Rồi khi đã mua cái phiếu 2.000 đồng và bưng khay cơm có nhiều ngăn đựng đầy đủ những món ghi trong thực đơn cùng muỗng, nĩa bọc trong miếng giấy lau trắng toát, đến ngồi ở chiếc bàn sạch sẽ... thì không hỏi nữa mà ai cũng nói: “Đỡ lắm...”.

Như ông Nguyễn Văn Dương, 65 tuổi, đang bị bệnh gan cũng phải ráng đi làm bảo vệ ở Bệnh viện Da liễu, vừa ăn miếng đu đủ tráng miệng vừa nói: “Hôm khai trương, tôi qua thấy bữa cơm có hai ngàn mà ghi “sạch, no, ngon, thân thiện”, cứ ngờ ngờ, nhưng ăn rồi mới thấy y như vậy. Có cái quán này đỡ lắm...”. Đỡ làm sao? Ông chứng minh cụ thể: “Thường tôi ăn bữa hết 19.000 đồng, ăn ở đây dư ra được 17.000, tuần ba bữa, gom lại, bù vào tiền khám bệnh, khỏi ngửa tay xin thêm con cái...”.

“Đỡ lắm” là hai từ tôi nghe nhiều nhất ở quán. Tôi gặp nhiều người trong số 250 khách của quán hôm ấy (mỗi buổi quán bán 250 suất, vào các trưa thứ hai, tư, sáu), hầu hết ai cũng nói đi nói lại hai từ ấy. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, cái “đỡ lắm” của người này khác với cái “đỡ lắm” của người kia, nhưng tất cả đều giống nhau là bữa cơm ở quán đều giúp họ giảm nhẹ phần nào những khó khăn, nhọc nhằn, lo toan mà họ luôn phải mang vác trên đường đời.

Với cháu Hùng, 13 tuổi, ở Tuy Hòa, đi bán vé số, thì ngoài chuyện “ăn được miếng thịt gà kho sả ngon quá chú ơi”, cái “đỡ lắm” của cháu là “dư ra thêm được mấy chục ngàn gửi về phụ mẹ nuôi em”. Vì cha cháu mất rồi, mẹ ở quê nhà phải nuôi ba đứa em của cháu mà chỉ dựa vào gánh rau cải tròng trành...

“Tiền thiêng liêng”

Ông Nguyễn Minh Lộc (Nam Đồng, nguyên tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, chủ nhiệm quán Nụ Cười) cho biết sau mấy ngày hoạt động, có thể ước tính về thành phần khách như sau: 30% là sinh viên, học sinh; 30% là bà con bán vé số, xe đẩy, xe ôm, đạp xích lô, lượm ve chai, thợ hồ...; 25% là bệnh nhân, thân nhân nuôi bệnh ở Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Mắt; 15% không xác định được thành phần, ăn mặc sạch sẽ, lịch sự.
Quán cơm xã hội Nụ Cười thuộc quỹ từ thiện Tình Thương. Quỹ được sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm. Trong “10 nguyên tắc ứng xử cho các thành viên quỹ từ thiện Tình Thương” có ghi: “Những đóng góp dù ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng hướng thiện. Những đồng tiền đó rất dễ thương, rất đáng quý nên chúng ta gọi là tiền thiêng liêng...”. Tiền thiêng liêng nên chỉ dành toàn bộ để chi cho người nghèo, không chi bất cứ một đồng nào cho “bộ máy” quản lý, tất cả đều là tình nguyện viên.

Ngồi chung bàn với mấy em học sinh là một người đàn ông mặc chiếc áo kaki đầy những vết bẩn, tóc loe hoe khô cháy, đi lượm ve chai. Ông tên Hùng, ở Bình Dương. Khi tôi dò hỏi một ngày lượm bán được bao nhiêu, ông không trả lời, cứ từ từ bỏ chiếc muỗng xuống, đưa tay moi vào túi quần và móc ra một mảnh giấy nhàu nát: “Không giấu gì chú, đây, lượm cả chiều với đêm hôm qua đây...”. Thì ra đó là mảnh giấy của một vựa ve chai ghi: “Mủ 3.800 - bình 1ký 8 21.500 - lon 20c 7.600 - cộng 32.900”.

Với số tiền ít ỏi đó, hằng ngày ông phải tìm về tận khu Vườn Chuối để ăn đĩa cơm “nhiều cơm, ít đồ ăn” và trả 12.000 đồng. Giờ đây, với ông, ăn bữa cơm 2.000 đồng “no, ngon, sạch...” tất nhiên đỡ lắm. Biết vậy, nhưng điều tôi không ngờ là nhờ những bữa cơm của quán Nụ Cười mà trong tuần qua ông... tắm được vài lần. “Có dư đồng tiền mới tắm được, mỗi lần tắm mất 5.000 đồng chớ có ít đâu...”.

Tất nhiên, đến với quán cũng có những khách khá đặc biệt, như một anh nọ, ăn xong đứng dậy cứ gật gật đầu, hỏi quán bán đến mấy giờ rồi đi. Một đỗi sau, bất ngờ anh chở đến hai bao gạo, bỏ xuống rồi đi, không chịu nói tên nói tuổi. Một anh khác mặc quần lửng áo thun, ăn xong hỏi quán có bao nhiêu người phục vụ, không biết để làm gì, té ra anh đi mua 20 ly sữa đậu nành đem lại quán: “Cho mấy em phục vụ uống, thấy em nào cũng tận tình, thương quá...”.

Như bốn em học sinh lớp 6, lớp 7 ăn xong chưa chịu về, cứ ngồi xầm xì với nhau, rồi một em đến quầy mua một cái phiếu nữa. Một anh tình nguyện viên ân cần hỏi: “Em ăn chưa no à? Sao không lấy cơm thêm?”. Em rụt rè đáp: “Dạ không, no lắm rồi ạ. Cho cháu mua phiếu nhưng không lấy phần ăn nữa, cháu xin góp cho quán ấy mà”.

Nụ cười tình nguyện viên

Trong sổ tay tình nguyện viên của quán ghi rất rõ: “Quán cơm xã hội Nụ Cười luôn chào đón những tình nguyện viên mới. Các bạn sẽ được phân công theo nhóm, và dù có thực hiện nhiệm vụ gì thì tình nguyện viên chúng ta phải thật sự hòa nhã, vui vẻ...”. Tình nguyện viên được chia làm bảy nhóm: nhóm P (bán phiếu), nhóm R (rửa khay cơm), nhóm B (bếp)...

Mới hoạt động được năm ngày mà nhóm nào cũng thừa người. Nhiều bạn trẻ đến, quán đành phải hẹn hôm sau. Sáng sớm đến quán, xuống bếp tôi thấy ai cũng cặm cụi làm việc như trong một nhà hàng chuyên nghiệp: hai cô gái rửa rau, hai cô xắt thịt, một cô đang đun chiếc xoong to, hai cô khác tỉ mỉ lau những chiếc khay...

Hầu hết các cô đều là sinh viên, nhân viên ở các công ty, trừ cô đang đun chiếc xoong to làm món gà kho gừng. Đó là cô Thường, bán hột vịt lộn - cháo lòng ở lề đường Hồ Xuân Hương, đối diện với quán. 12g cô mới bắt đầu bán. Bán đến tối, dọn hàng xong là mẹ con cô lại tất tả chạy qua quán làm thịt, cá, ướp sẵn đâu vào đó rồi mới về, và sáng sớm cô lại đến nấu, kho...

9g, quán còn vắng, bỗng một chiếc ôtô màu đen bóng loáng dừng ngay trước quán. Một người ăn mặc tươm tất bước xuống, xăm xăm đi vào và không nói không rằng, anh kéo những chiếc bàn kê lại cho ngay ngắn rồi rút chiếc khăn lau bàn ghế. Hỏi ra mới biết anh là Hùng, tài xế của một công ty viễn thông. Sáng anh đưa giám đốc đến cơ quan và đánh xe về đây làm tình nguyện viên, trưa lại đến đón vị giám đốc. Anh thuộc nhóm T (trật tự), nhưng khi chưa có khách anh làm đủ việc: lau bàn ghế, chuẩn bị bình nước đá, xếp ly... Khách đến, anh đứng ngoài nắng đón khách, hướng dẫn để xe. Có khách đi xe lăn đến, anh nhanh nhẩu bế khách vào tận bàn, móc tiền mua chiếc vé và nhờ người vào lấy cơm cho khách...

Một nội dung ghi trong sổ tay tình nguyện viên đã toát lên rất rõ ở nơi này: “Hòa nhã, vui vẻ”. Tôi thấy thêm: sự trân trọng và lòng yêu thương. Chính điều đó đã làm an lòng những người khách bước vào quán, nhất là những người khách đang rơi vào cảnh khốn khó, đói nghèo nhất trong cuộc đời này, như anh Hùng lượm ve chai đã ứa nước mắt nói: “Từ trước tới giờ mình có được ai mời chào gì đâu...”.
sưu tầm

Thanks mọi người đã ghé xem !!!

lucas ha
10-22-2012, 08:28 PM
Chủ quán là người có lòng độ lượng tư bi.thanks sư phụ đã chia sẽ..bài viết nói về lòng người rất cần cho xả hội hiện nay

Minhtuan_84
10-22-2012, 08:54 PM
Đọc bài viết của anh Quang thật xúc động. Cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã tình nguyện đóng góp mỗi người một phần nhỏ để tạo nên một việc có ý nghĩa hết sức lớn lao.
Cảm ơn anh Quang đã chia sẽ.

manhlong
10-23-2012, 10:47 AM
giữa xã hội đầy toan tính vẫn còn đó những tấm lòng nghĩa tình.anh Qualong ơi quỹ từ thiện của mình tới hôm nay cũng hơi lâu mà chưa dùng vào việc gì.anh Quang phát động để làm từ thiện cho hết quỹ đi.thanks

qualong
10-23-2012, 10:54 AM
giữa xã hội đầy toan tính vẫn còn đó những tấm lòng nghĩa tình.anh Qualong ơi quỹ từ thiện của mình tới hôm nay cũng hơi lâu mà chưa dùng vào việc gì.anh Quang phát động để làm từ thiện cho hết quỹ đi.thanks

hay là mình xin ý kiến các thành viên trích ra mua gạo hay góp tiền cho mỗi quán một ít có được không anh Long và các anh em !!!

manhlong
10-23-2012, 10:56 AM
hay là mình xin ý kiến các thành viên trích ra mua gạo hay góp tiền cho mỗi quán một ít có được không anh Long và các anh em !!!

ok anh hỏi thử anh em thành viên xem sao.miền Tây giờ cũng đang nước lũ.hay anh em mình quyên góp thêm làm 1 chuyến miền Tây đi anh.

qualong
10-23-2012, 11:14 AM
Thể theo lời kêu gọi lá lành đùm lá rách , tương thân tương ái của anh Long ! được biết khu vực miền Tây cũng có một số quán cơm 2000VND từ thiện phục vụ cho bà con nghèo có hoàn cảnh khó khăn hoặc anh em có thể đề xuất hình thức từ thiện khác . qualong xin mạn phép qua topic này xin ý kiến đóng góp của các thành viên trên diễn đàn , sẽ dùng quỹ sẵn có và anh em nào muốn đóng góp thêm thì xin đăng ký quyên góp trong topịc này . Rất mong được sự nhất trí tán thành của các anh em !!!
mình xin góp thêm 500.000VND vào quỹ cho đợt từ thiện này .

nguyenhieu07
10-23-2012, 11:18 AM
ủng hộ miền tây em đóng góp 1t.

qualong
10-23-2012, 05:26 PM
ủng hộ miền tây em đóng góp 1t.

thanks em đã ủng hộ !!!

manhlong
10-23-2012, 11:08 PM
anh qualong mở topic đóng góp khác và thông báo số tiền quỹ đang có để anh em tiện theo dõi.thanks anh

HongAnhHN
10-23-2012, 11:38 PM
Em xin phép đc góp 2 tr.