PDA

View Full Version : Cảm nhận!



mu_tit_carong
07-15-2014, 11:31 AM
Vừa qua Du có dịp về thăm lại chiến trường Ác liệt nhất miền nam trong thời kháng chiến ( đây là lần thứ 3 Du về thăm theo hành trình Quảng trị - Nghĩa trang Trường Sơn).
Đọc được bài báo chia sẻ anh em cảm nhận,
Thanks!!!


NGƯỜI THẢ HOA TRÊN DÒNG THẠCH HÃN

Dũng sỹ diệt Mỹ Lê Bá Dương, bên phải
NGƯỜI THẢ HOA TRÊN DÒNG THẠCH HÃN (Dư Hồng Quảng) Bài này đăng báo Văn nghệ trẻ với tiêu đề "Có tuổi 20 thành sóng nước " Mỗi lần đọc câu thơ "Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ…", tôi lại mong giá một ngày mình gặp được nhà thơ Lê Bá Dương. Thật may mắn, trong chuyến đi làm phim nhân kỷ niệm 40 năm chiến dịch Thành cổ Quảng Trị, tôi đã gặp anh. Tại văn phòng đại diện báo Văn Hóa, Tp biển Nha Trang, rồi hôm sau đến nhà riêng của anh thêm một buổi nữa, tôi đã hỏi chuyện nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương, người trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị 40 năm trước
Bố ở Vinh, mẹ quê Diễn Châu, gia đình lên Nghĩa Đàn ở, tôi lại sinh ở Hà Nội, học ở Hà Đông, 13 tuổi về lại Nghệ An, 15 tuổi trốn nhà đi bộ đội. Nhiều người sẽ hỏi tôi học lúc nào ? Thực ra bây giờ mà tính bằng cấp thì chắc chẳng ai nhận tôi vào làm là bởi vì tôi chẳng có bằng cấp. Nhiều người không tin bảo bây giờ ông làm thơ, làm báo được như thế này rồi ông nói đùa vậy, nhưng tôi thực không được học hành bài bản. Tôi tự học thôi. Những năm chiến tranh, tôi nhặt nhạnh được sách giáo khoa Sài Gòn, ra cứ tôi lẩm nhẩm đọc, mọi người không để ý. Tôi tập viết theo các bài trên báo, đó cũng là một cách tự học. Khi tôi viết trong chiến tranh, mọi người bảo tôi viết ký rất hay, nhưng thực ra mãi tận năm 2002, tôi mới biết phân biệt ký khác truyện ngắn như thế nào. Tôi nhớ một câu của bác Phạm Văn Đồng và tôi cứ học theo. Câu ấy thế này: các bạn cứ viết đi cái mình tâm đắc, miễn sao mọi người đọc nó, nhận nó. Nếu nhiều người thích thì nó là tác phẩm thành công, còn khi ấy, nó rơi vào thể loại nào thì gọi tên nó theo thể loại đó. Còn nếu nó không thuộc thể loại nào cả nhưng được mọi người đón nhận, thì chính bạn đã sáng tác ra một thể loại mới. Vì vậy mà tôi cứ viết, kiểu “điếc không sợ súng”. Tôi sống môi trường có mẹ tôi và các bà mẹ vùng sông nước cửa biển hay hò, hát đối, hát ví, có vần điệu, họ ứng tác rất nhanh, tôi cũng chịu ảnh hưởng môi trường đó, tôi hay làm thơ nhẩm trong đầu, khi nào có điều kiện thì chép lại.

Anh có thể kể về một bài thơ sáng tác theo cách ấy ?

Năm 69 tôi hành quân vào nam, đi qua bến tắt (khu vực nghĩa trang Trường Sơn bây giờ), chuẩn bị vượt sông thì có một đoàn phía trong đi ra. Có một người hỏi: có ai là người Cẩm Xuyên không ? Cậu Diên- chính trị viên phó đại đội tôi là người Cẩm Xuyên. Cậu ấy đáp: có tôi là người Cẩm Xuyên đây. Hỏi cụ thể thôn xóm, rồi người lính già hỏi: mi con ai ? Thấy cậu lính trẻ nói tên, người lính già choàng lấy và nói: mi là con tao ! Hai bố con nhận nhau rất đơn giản như thế. Sau đó thì đoàn tôi phải vào nam, đoàn kia ra, chỉ gặp nhau 5 phút. Đêm hôm đó, đánh nhau ở cao điểm O Tròn thì cậu Diên hy sinh. Hết chiến dịch tôi tìm về cục hậu cần H1 là nơi người lính cha nói địa chỉ, định tìm để báo tin Diên đã hy sinh. Nhưng đồng đội cho biết người cha cũng đã hy sinh, cũng đúng cái đêm ấy, sau khi chia tay con trai trở ra thì gặp bom. Bài thơ này tôi nhẩm rất nhanh trong đầu, ngay tại cục hậu cần H1. Sau này về cứ, tôi cứ thổn thức vì câu chuyện, tôi tâm sự với bạn. Rồi bạn tôi chép lại vào tấm bìa phía sau ba lô để làm quạt ấy. Mấy dòng ấy thế này:

Xưa cha đi đánh Pháp
Con còn nhỏ chạy nhìn theo
Nay mái tóc hoa râm dưới vành mũ tai bèo
Cha gặp con giữa chiến hào đánh Mỹ
Nghĩa nặng tình sâu, cha gọi con là đồng chí
Rồi mỉm cười nghe kể chuyện quê hương
Bỗng vang lên một phát súng trường
Con vừa bắn theo hướng đường cha chỉ
Hai cha con cùng cười khi bóng tên giặc Mỹ
Phải gục đầu vì hai thế hệ cha con.

Tôi viết rất nhanh như thế, một cái rất là bi, nhưng tôi nhìn dưới góc độ khác. Cái đau trong tôi dường như trở thành một thứ động lực: mình phải sống thay thằng Diên. Chính cái sống thay đó mà tôi viết đoạn sau: bỗng vang lên một phát súng trường...Phát súng trường đó chính là điểm thức của tôi. Cách viết của tôi là thế.

Như anh nói thì anh làm thơ bắt đầu từ những câu chuyện có thật ?

Đúng là thế. Tôi nhớ tại lễ cầu siêu các liệt sỹ, khi các thày đạo tràng khấn thì tôi rót rượu cho các anh. Nước mắt tràn trong tôi. Tôi không hút thuốc nhưng cũng bập bập mấy hơi rồi đặt lên cho các anh em. Tự nhiên dâng lên mấy câu.

Rượu 3 chung, thuốc nửa điếu
Như thủa nào nhạt muối đói cơm
Như thủa nào ăn trong đạn, ngủ trong bom
Như thủa nào nhường bạn cuộn băng dấu mình vừa trúng đạn
Như thủa nào xếp đá chôn đồng đội tôi bên dòng suối cạn
Để cuối chặng đời lòng vẫn ngoảnh lại phía ngày xưa

Mấy câu này, mình nhẩm khấn cho anh em nhưng đó cũng là lời thề của chính mình. Mấy dòng thơ này còn xuất phát từ một câu chuyện có thật của đời lính. Cậu Lễ tiểu đội trưởng thông tin cũng là người dân Nghệ đồng hương được điều về trung đội tôi. Cậu ấy bị thương vạt mất một miếng ngực, lúc ấy không còn loại băng nào có thể băng được. Tôi bị nhẹ hơn bèn lấy bìa cát tông đặt lên ngực cậu ấy và dùng băng quấn. Cậu ấy thều thào bảo: Dương ơi, tao đường mô cũng chết, mi dành băng này mà băng vết thương của mi đi. Tôi bảo: không phải đâu, máu của Lễ chảy ra đó, tao không bị thương đâu. Lễ cố gắng nói nốt mấy câu này: mi lấy trong túi áo của tao, có 2 hào đó, mi nộp cho tao tháng đảng phí cuối cùng. Câu chuyện thật này, khi thành bài thơ, tôi không chỉ nói cho tôi và Lễ, mà cho cả thế hệ chúng tôi. Biết nhường nhau khi ăn trong đạn, ngủ trong bom, chia ngọt xẻ bùi, chia bom xẻ đạn cùng nhau, đó là chuyện bình thường của cánh lính chúng tôi. Bây giờ nghe những chuyện như thế này, tưởng là lên gân, là tiểu thuyết. Những người vào sinh ra tử thời chiến mới hiểu rõ nhất. Còn riêng tôi, cho đến chết vẫn nuôi tình cảm đó. Và chính vì thế, nó buộc tôi phải sống xứng đáng với anh em. Những việc tôi đang làm, tôi không coi đó là việc to tát gì, mà là việc phải làm, nó giống như cái nợ đối với đồng đội. Cái nợ này là nợ tự nguyện, không phải ai bắt nợ cả, nhưng mình phải trả nợ đó. Khi tôi lôi cuốn băng ra, băng cho Lễ, đó là tự nhiên. Nhưng khi bạn tôi nhường tôi, trước khi chết, người ta cân đong tất cả nhanh lắm. Tôi đã có 2 lần rơi vào trạng thái đó, tưởng đã chết rồi. Một lần được chôn rồi, nhưng còn ngón chân cựa quậy, anh em móc lên cứu được. Người cứu tôi sống, bây giờ đang ở Vinh. Trước khi chết, Lễ đã cân nhắc rất nhanh, đằng nào mình cũng chết, dành băng lại cho người sống để tiếp tục chiến đấu.

Anh nghĩ mình đang sống thay những đồng đội hy sinh ?

Tôi người Nghệ An, đang sống ở Nha Trang nhưng anh em đồng ngũ lại bầu tôi vào hội đồng hương Quảng Trị. Mỗi ngày tôi có ít nhất vài chục cuộc điện thoại của bà con cô bác các nơi người ta hỏi về liệt sỹ. Họ cứ tưởng đã là Lê bá Dương thì cái gì cũng biết, nhưng tôi làm sao biết được nơi hy sinh của từng người. Có điều, bà con tin mình thì mình phải cố liên hệ, hỏi han để tìm giúp họ. Mỗi tháng vài triệu tiền điện thoại. Tôi viết báo, chụp ảnh kiếm nhuận bút để trả tiền điện thoại. Khi tìm vào nơi chính tay tôi chôn bạn là Hồ Phi Hùng, không thấy hài cốt vì người ta đào đắp công trường đã san gạt hết từ bao giờ. Bà mẹ nhắn bảo, không mang được hài cốt thì cứ mang nắm đất ở đó về. Mẹ còn bảo con cháu nhà nuôi hươu, gửi nhung hươu cho thằng Dương để nó khỏe nó tìm mộ thằng Hùng giúp mẹ. Anh Hùng của chúng mày không về được thì bảo anh Dương về, cho mẹ cầm tay anh Dương của chúng mày. Tôi về mừng thọ mẹ Hùng 80 tuổi, ở Quỳnh Văn- Quỳnh Lưu- Nghệ An. Bà cụ nằm liệt giường. Nhưng thấy tôi về, cụ sờ tay tôi, cố ăn với tôi được nửa bát cơm. Như thế là tôi thay thằng Hùng ăn cơm với cụ. Sau cụ khỏe trở lại, đi chơi được nhà hàng xóm. Đó là chuyện kỳ diệu tôi chưa giải thích được.
Năm 2010, tôi tổ chức cuộc hành hương cho 43 thân nhân liệt sỹ cùng vào rừng ngủ với anh em chúng tôi một đêm. Chúng tôi mắc 617 chiếc võng trong rừng ngủ với các liệt sỹ một đêm. Không đưa được các anh về quê thì đưa quê hương vào để ấm lòng các anh. 2000 ngọn nến thắp sáng cả rừng. Sau đó, chúng tôi tặng lại cho thanh niên địa phương 500 ngọn nến, truyền lửa cho thế hệ trẻ để vào các dịp lễ tết, thắp lên tưởng nhớ các anh. Vợ một người lính tên là Quang khóc nói cảm ơn chúng tôi. Tôi bảo chị đừng cảm ơn, bởi nếu Quang còn sống, tôi mà chết, thì hôm nay, Quang cũng làm như tôi. Các anh em mà còn sống thì không chỉ làm như chúng tôi, mà còn làm được nhiều hơn thế, bởi rất nhiều người trong số họ đang ngồi trên ghế giảng đường đại học được đào tạo bài bản, không kém như bọn tôi học hành chẳng được bao nhiêu. Anh em nếu còn sống, họ còn làm nhanh hơn và chu tất hơn chúng tôi bây giờ. Thương lắm các anh em từ giảng đường ra tiền tuyến, kinh nghiệm không có, cứ phơi ra. Khi nhìn quả bom cắt xuống giống như hình lát khoai lang khô, bay về phía mình thì coi chừng nó sẽ rơi vào vị trí của mình. Còn nếu chỉ là chấm tròn thì an toàn, nó sẽ lướt qua đầu mình. Đám lính trẻ ngơ ngác có biết đâu !

Thơ anh nói có tuổi 20 thành sóng nước...?

Vâng, Quảng Trị là chiến trường ác liệt nhất toàn miền Nam. Nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 đều nằm trên đất Quảng Trị. Xã hội trẻ nhất có thể chính là các nghĩa trang, một xã hội ở trạng thái tĩnh. Chúng ta đang sống trong xã hội già, có lớp nọ lớp kia, nay mừng thọ, mai bái lão. Còn ở đây, các anh ra đi toàn ở tuổi 17, 18, 20,...rất ít trường hợp trên 30, 40. Nghĩa trang là nơi lưu giữ vĩnh viễn tuổi 20. Đây là sự lựa chọn của chiến tranh mà anh em chấp nhận một cách tự nguyện. Những người mẹ cũng vậy, đây là sự chấp nhận cho con mình ra trận. Đau lắm chứ, ở nhà, đêm đêm ngọn đèn khêu lên khêu xuống, thổn thức với từng tin tức chiến trường. Nghe hàng xóm kháo nhau ngày mai nhà ai nhận giấy báo tử là giật mình. Không có bà mẹ nào tự nguyện cho con mình chết, nhưng hy sinh là không thể tránh khỏi, đó là cái giá của độc lập, tự do, thống nhất Tổ Quốc. Chắc chắn rằng, nếu được lựa chọn, tôi và các anh không ai chọn chiến tranh cả. Cũng giống như các bà mẹ VNAH, không bà mẹ nào muốn con cái chết trong trận mạc để mẹ được phong anh hùng. Không bao giờ ! Nhưng ở đây vấn đề là chiến tranh nó lựa chọn anh em chúng ta chứ không phải chúng ta chọn chiến tranh. Mình chấp nhận sự lựa chọn đó. Số anh em sinh viên ồ ạt vào thành cổ Quảng Trị năm 1972 thì đây là cuộc dốc ống của Đảng và Nhà nước, cực chẳng đã, bởi số này là những hạt giống dành cho tương lai. Họ là những người có học, đang được học hành để chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến, xây dựng lại nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Huấn luyện ít ngày, họ chỉ biết bắn súng, không biết bắn xong thì lăn tránh đạn của đối phương. Sau mấy loạt B52, đại đội tôi có 67 người thì chỉ còn 6 người sống. 6 người, 12 bàn tay, đào, moi đến bật máu cả đêm, sáng hôm sau được một chục cái ba lô thi thể anh em, không ai còn hình hài nguyên vẹn, còn gì đến hôm nay mà quy tập ? Họ đã tan vào đất, vào nước rồi. Năm 76, chiến tranh kết thúc, tôi về quê, gặp mẹ của một người bạn. Năm 68 cậu ta hy sinh, tôi về thăm mẹ bạn nhưng giấu không cho bà cụ biết. Bà mẹ nhớ con, ngày nào cũng thẫn thờ ra bờ ao, hái bông hoa bụt đỏ thả xuống nước. Từ 1976, năm nào tôi cũng ra Quảng Trị, nhớ đồng đội tôi lại nhảy tàu ra, thả vài bông hoa, thắp cho anh em mấy nén hương. Hơn ai hết, tôi là người trong cuộc, chứng kiến anh em đồng đội thân xác tan trong đất, trong nước. Dù có tài thánh cũng không đưa được anh em về, vì mấy người còn nguyên xác ! Họ tan hết trong đất, trong cát, sông suối trôi đi rồi còn đâu ? Không thể đưa anh em về quê, tôi cố gắng mỗi năm trở lại chiến trường xưa hương hoa cho anh em thôi. Hoa sim, hoa mua, hoa mào gà và mấy loài hoa dại, tôi kết bè thả xuống sông cho anh em. Đặc biệt có huyện Triệu Phong, Quảng Trị, 100% cán bộ văn hóa là anh em du kích xưa. Họ chính là những người nuôi cái chuyện thả hoa trên sông của tôi từ năm 76 đến nay.

Bài thơ Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ anh làm khi thả hoa trên sông ?

Năm 1987, tôi về lại Quảng Trị, vào chợ mua hoa. Trước đây tôi chỉ hái hoa dại, hoa rừng. Năm 87, lần đầu tiên tôi mua hoa chợ. Xuống sông gặp một bà thuyền chài. Tôi bảo mệ cho con đi thuyền dọc sông một vài tiếng, hết bao tiền con trả. Bà cụ đồng ý 8 ngàn đồng một tiếng. Tôi ngồi thuyền thả hoa trên sông, nước mắt nhạt nhòa. Bà cụ không nói gì, nhìn tôi thả hoa và lặng lẽ chèo đều đặn. 4 tiếng sau, tôi bảo 8 ngàn/1 giờ, 4 giờ con trả mệ 50 ngàn. Bà cụ quỳ xuống, khóc nói: mi làm rứa sao mệ dám lấy tiền của mi !
Chào mẹ, tôi lên bờ, ngồi bó gối nhìn dòng sông. Hoa vừa thả dập dờn trôi theo dòng nước. Tôi miên man nghĩ anh em đang nằm dưới sông, bập bềnh theo những cánh hoa. Có cái thuyền máy chạy ngược lên, bọt nước khua trắng. Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra. Trong đầu tôi hình thành vần thơ. Nguyên văn ban đầu là:

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Tan chợ chiều xuôi đò có vội
Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong
Đó là lời thỉnh cầu của một người lính. Một phiên chợ chiều có vội vàng, hay cả cuộc đời này là một phiên chợ chiều, có vội đến mấy thì vội, xin nhớ cho rằng, đồng đội tôi đang nằm dưới đó. Đừng có làm gì khuấy đục dòng đời này, tôi muốn chia sẻ. Sau đó bạn tôi là các anh Thế Vũ, Đỗ Kim Cuông thích bài thơ này nhưng góp ý tôi sửa lại để đăng báo. Tôi đã sửa lại Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ. Ơi là thán từ gọi đò, theo phương ngữ nơi đây ơ đò, bớ đò...!. Từ xin nó lặng, nhưng từ ơi đò, nó có tiếng đồng vọng lênh lang theo sóng nước:

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi 20 thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

Khi tôi nghĩ tuổi 20 thành sóng nước rồi thì dòng sông thật không còn hiện hữu nữa. Nó chỉ còn là dòng chảy tâm linh, dòng chảy trong lòng người.

Trich nguon: Internet

thangmt
07-15-2014, 03:18 PM
Rat cam on da chia se Lam e nho lai thoi con phuc vu o TĐ4 LLTNXPTRUONG SON(TW ĐOAN) Ba con o Vinh Linh ma nhat la nhung pom soc DT Noi ve chien tranh ve quoc thi ai cung dien giai nhu tu dien song Du ngheo song rat nghia tinh An nhau cung toi ben luon hehe Thoi gian do kho nhung rat vui Nhat la troi mua thi thoi roi Di te len te xuong may e no gheo thi we 1 cuc luon
E đua a tham lai nhung manh lang
Tu Vinh Giang nguoc len Vinh Thuy
Đau dau cung rang danh thoi đanh My
Trang su hao hung mot thuo con day

Long_Phạm
07-15-2014, 03:26 PM
E đua a tham lai nhung manh lang
Tu Vinh Giang nguoc len Vinh Thuy
Đau dau cung rang danh thoi đanh My
Trang su hao hung mot thuo con day

Đất Vĩnh Linh nghĩa nặng tình dày
Bóng người thân, nhớ nghe em tìm lại
Dẫu thời gian đã vô cùng xa ngái
Có còn không chỉ một dấu chân người? :biggrin::biggrin::biggrin:

thangmt
07-15-2014, 03:51 PM
Du biet luon Dung la tuoi tre tai cao Cam on e Bai tho nay a nho la We me Vinh Linh trong Cuon HO SO VY TUYEN(1954-1975) E co doc nhung sach nay roi qua that la rat hay do e Mot lan nua Cam on e

Long_Phạm
07-15-2014, 04:25 PM
Du biet luon Dung la tuoi tre tai cao Cam on e Bai tho nay a nho la We me Vinh Linh trong Cuon HO SO VY TUYEN(1954-1975) E co doc nhung sach nay roi qua that la rat hay do e Mot lan nua Cam on e

Dạ tên đúng là "Về quê mẹ Vĩnh Linh" :biggrin:

mu_tit_carong
07-15-2014, 04:28 PM
Với hơn 2km2 trong thành cổ Quảng trị, quân Mỹ đã ném xuống 328,000 tấn bom (ba trăm hai tám ngàn tấn bom), chưa kể pháo. xin ngả mũ kính phục các Bác, các Anh, các anh hùng đã hy sinh để bảo vệ tấc đất quê hương.

lipero
07-20-2014, 06:11 PM
thanks thớt