PDA

View Full Version : Tản mạn về bạch tạng và màu trắng



Long_Phạm
07-31-2014, 06:55 PM
Ae đọc chơi

Hầu hết những thắc mắc và tranh luận về hội chứng “bạch tạng” đều diễn ra xung quanh vấn đề “màu trắng” và “mắt đỏ”. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khảo sát về bản chất của hội chứng bạch tạng và những gì liên quan đến các vấn đề nêu trên.

Bạch tạng là gì?
Bạch tạng (albinism) là một trong những đột biến phổ biến nhất ở động vật. Hiện tượng này đôi khi xảy ra ngoài tự nhiên và xuất hiện thường xuyên hơn ở những dòng thuần dưỡng. Thuật ngữ “albino”, bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là “trắng”, được dùng để mô tả bất kỳ cá thể khiếm khuyết hắc sắc tố (melanin) nào.

Ở người và thú, bạch tạng đồng nghĩa với “màu trắng” bởi vì một khi hắc sắc tố không hiện diện ở biểu bì (epidermis) thì màu mà chúng ta thấy là màu trắng của hạ bì (dermis). Lông và tóc cũng bị ảnh hưởng và có màu trắng.

Có hai cấp độ khiếm khuyết hắc sắc tố là khiếm khuyết cục bộ (hypomelanism) và khiếm khuyết toàn phần (amelanism). Các dạng khiếm khuyết cục bộ đặc biệt là khiếm khuyết ở mắt hay mắt đỏ “ocular albino” và khiếm khuyết toàn thân “cutaneous albino”.

Hội chứng bạch tạng ở cá
Khác với thú, cá có nhiều lớp màu ở biểu bì vì vậy một khi hắc sắc tố không hiện diện thì chúng ta sẽ nhìn thấy các lớp màu ở bên dưới như đỏ và vàng. Như vậy, hầu hết những loài cá cảnh có màu sắc sặc sỡ (đỏ, cam và vàng) đều là cá bạch tạng, ngoại trừ một số ngoại lệ mà lớp màu đỏ nằm bên ngoài lớp màu đen.

Cá trắng có phải là cá bạch tạng? Đúng, nhưng để nhìn thấy màu trắng của hạ bì, không chỉ hắc sắc tố mà tất cả các lớp màu khác đều không hiện diện. Hiện tượng này được gọi là khiếm khuyết toàn sắc (hypopigmentation).

Cá trắng thường bị “nhiễm” hồng hay tím bởi vì các mạch máu phân bố gần mặt da, nhất là ở nắp mang. Ở cá betta, vì lớp hạ bì trong suốt nên màu mà chúng ta thấy là màu ngà của thịt cùng với các gân máu đỏ.

http://www.diendancacanh.com/pictures/Aquarticles/albino_fishskin.jpg

http://www.diendancacanh.com/pictures/Aquarticles/albino_compare.jpg
So sánh các dạng bạch tạng: 1- khiếm khuyết cục bộ (các đốm lột), 2- khiếm khuyết toàn thân (trừ mắt), 3- khiếm khuyết toàn phần (kể cả mắt), 4- khiếm khuyết toàn sắc (có màu trắng tinh).

Màu trắng leucistic
Đột biến nữa cũng khiến cá có màu trắng (và dễ nhầm với khiếm khuyết toàn sắc) là leucistic. Theo định nghĩa, đây là hiện tượng khiếm khuyết tế bào sắc tố. Vì không có tế bào sắc tố nên không có lớp sắc tố nào tồn tại. Kết quả cũng tương tự như khiếm khuyết toàn sắc, màu mà chúng ta thấy là màu trắng của hạ bì!

Khác biệt dễ nhận biết nhất đó là đột biến này không tác động lên mắt, vì vậy, màu của tròng mắt và con ngươi vẫn bình thường. Màu trắng ở leucistic cũng "sạch" hơn so với khiếm khuyết toàn sắc (vốn thường dính màu ở chóp vây và đầu).

http://www.diendancacanh.com/pictures/Aquarticles/albino_leucistic.jpg
1- Bạch long, 2- Sấu hỏa tiễn trắng, 3- Cá chẽm trắng, 4- Khủng long trắng.


Màu trắng ánh kim
Các lớp màu ngoài cùng ở cá thường là ánh kim xanh, ánh kim vàng hoặc ánh kim trắng. Một ví dụ phổ biến về màu ánh kim trắng là phần bụng trắng tinh của cá. Sự tăng sinh và lan rộng của lớp màu này cũng khiến cá có màu trắng.

http://www.diendancacanh.com/pictures/Aquarticles/albino_purine.jpg
1- Bạch điệp (white butterfly), 2- Quá bối bạch kim (platinum), 3- Betta rồng đen, 4- La hán Thaisilk.

Cá ngân long là một ngoại lệ khi lớp màu ánh kim trắng bao phủ toàn thân một cách tự nhiên.


Bàn về “mắt đỏ”
Khi hội chứng bạch tạng tác động lên mắt thì hắc sắc tố sẽ không được tạo ra và màu mà chúng ta nhìn thấy là màu đỏ của các mạch máu ở bên dưới. Bởi vì một số loài cichlid như cá dĩa và la hán có tròng mắt đỏ một cách tự nhiên cho nên phải căn cứ vào con ngươi để xác định tình trạng khiếm khuyết hắc sắc tố ở mắt.

Giới chơi cá cảnh, nhất là cá dĩa và bảy màu, thường đồng nhất hiện tượng “mắt đỏ” với bạch tạng. Thậm chí, các triển lãm cá dĩa ở Singapore và Malaysia còn lập riêng các thể loại dành cho cá dĩa albino mà tiêu chuẩn tham gia là phải có “mắt đỏ”. Tuy nhiên, đột biến này ở cá dĩa ảnh hưởng lên cả thân chứ không chỉ ở mắt, hay nói cách khác đó là dạng đột biến toàn phần (amelanism). Cá dĩa bạch tạng rất sạch, không dính "muối tiêu" nhưng màu đỏ kém tươi vì mất lớp đen bên dưới.

Quan sát màu mắt là cách đơn giản và chắc chắn để xác định tình trạng bạch tạng ở cá dĩa. Nếu dựa vào sự hiện diện của màu đỏ thì có thể nhầm lẫn vì một số dòng cá dĩa rơi vào trường hợp ngoại lệ về lớp màu. Chẳng hạn, cá dĩa đỏ nền nâu (brown) có lớp đỏ nằm bên ngoài lớp nâu (melanin). Tuy nhiên, những dòng cá dĩa như golden và bạch ngọc (snow white) về bản chất cũng là cá bạch tạng nhưng khiếm khuyết chỉ giới hạn ở phần thân.

http://www.diendancacanh.com/pictures/Aquarticles/albino_discus1.jpg
1 & 2: alenquer red đậm màu nhờ lớp nền nâu bên dưới, bạch tạng nhạt màu nhưng "sạch" hơn, 3 & 4: snow white bạch tạng và snow white chỉ khác nhau ở con ngươi màu đỏ.

Hiên tượng bạch tạng xảy ra khá phổ biến ở cá betta, tất cả những con nền nhạt (light base) đều là cá bạch tạng cục bộ (xem Hạng mục triển lãm). Trường hợp “mắt đỏ” (tức bạch tạng toàn phần) cực kỳ hiếm bởi vì gen “mắt đỏ” cũng đồng thời làm cho cá betta gần như bị mù.


http://www.diendancacanh.com/pictures/Aquarticles/albino_betta.jpg

Đề xuất tên gọi mới
Cách đặt tên như hiện tại cũng nảy sinh một số vấn đề. Thứ nhất, thuật ngữ “bạch tạng” (albino) có nghĩa gốc là “màu trắng” không thể hiện hết sự đa dạng của hiện tượng khiếm khuyết hắc sắc tố ở cá. Thứ hai, về cơ chế di truyền, những cá thể đột biến bao gồm ít nhất hai gien, một gien khống chế hắc sắc tố ở mắt và gien kia khống chế hắc sắc tố ở thân. Bởi vì các gien hoạt động độc lập nên có khả năng xảy ra trường hợp cá mắt đỏ nhưng màu thân lại đen-nâu như bình thường. Sẽ rất khó để hình dung chúng như là cá “bạch tạng” dẫu điều này đúng về bản chất.

Vì vậy, một số người sử dụng tên gọi mới để phân biệt các dạng bạch tạng như sau:

- Trắng = albino = bạch tạng
- Đỏ = rubino (anerythic) = hồng tạng
- Vàng = lutino (xantho, xanthic) = hoàng tạng
- Đen = melanino = hắc tạng
- Nâu = phaeo-melanino = thổ tạng
- Ánh kim xanh = thanh tạng
- Ánh kim trắng = ngân tạng
- Ánh kim vàng = kim tạng

http://www.diendancacanh.com/pictures/Aquarticles/albino_name.jpg
Các loại "tạng" ở cá đẻ con (livebearer): 1- cá kiếm hồng tạng (rubino), 2- cá kiếm bạch tạng (albino), 3- cá molly hoàng tạng (lutino), 4- cá bảy màu thanh tạng.

http://www.diendancacanh.com/pictures/Aquarticles/albino_discus2.jpg
Các loại "tạng" ở cá dĩa: 1- hoàng tạng (albino yellow white), 2- hồng tạng (albino red white), 3- thanh tạng (albino blue diamond), 4- ngân tạng (albino white butterfly).

http://www.diendancacanh.com/pictures/Aquarticles/albino_gold.jpg
"Kim tạng" tuy hiếm nhưng vẫn tồn tại: 1- kim long bạch tạng, 2- ông tiên bạch tạng, 3- gold betta (đây là dạng bạch tạng toàn thân “cutaneous albino”, mắt vẫn đen).



Nguồn: Internet

thangmt
07-31-2014, 10:51 PM
Bài này a thấy wen wen hihi,lục lại trí nhớ thì nó của Mr Đại (vnreddevil) bên DĐCC :
http://www.diendancacanh.com/forum/showthread.php/35930-T%E1%BA%A3n-m%E1%BA%A1n-v%E1%BB%81-b%E1%BA%A1ch-t%E1%BA%A1ng-v%C3%A0-m%C3%A0u-tr%E1%BA%AFng

Hóa Long
07-31-2014, 11:08 PM
Đọc bài kí ức lại ùa về nhớ về 1 người a cũng có một bài viết rất hay và cơ sở lí luận khoa học copy lại chia sẽ cùng nhau đọc.
Cảm ơn a rất nhiều Tác giả Moneyless
Platinum, Bạch tạng, Kim tạng và những điều liên quan

Mấy hôm nay, nhận thấy các bạn bàn thảo nhiều về màu sắc của cá rồng, và bằng cách nào để có thể tạo ra giống cá rồng bạch tạng, platinum và axanthic . Thấy chủ đề nay mang lại nhiều thú vị cho các bạn thành viên, và với mục đích bàn thảo cho rỏ ràng hơn về màu sắc và nguồn gốc của chúng, tôi sẻ cố gắng đúc kết lại những hiểu biết về các vấn đề liên quan để ngõ hầu cống hiến và làm quà tặng cho các bạn thành viên đam mê cá rồng . Đó là mục đích duy nhất của bài viết này !!!

Trước tiên khi đi vào chi tiết bàn thảo về chủ đề của bài viết, tôi cần phải đề cập sơ qua về cách phối trí của màu sắc trên cơ thể cá rồng . Trên nguyên tắc, các mô tế bào màu sắc sẻ được chuyển đưa vào các vị trí như sau trên cơ thể của cá rồng : lớp da trên cùng (các hàng vẩy của cá rồng), và lớp ngay bên dưới của phần trên cùng . Đó là những điểm cuối cùng mà các mô tế bào màu sắc sẻ đươc tích trử . Sự tích trử của chúng tương tự các ngăn tủ nhỏ chứa đựng đinh các loại của các bác thợ mộc chuyên nghiêp . Mổi ngăn sẻ được dùng để chứa đựng một loại đinh với kích thước khác nhau . Tương tự như thế, các mô tế bào màu sắc sẻ được phân loại ra làm 3 loại :

1. Các mô tế bào sắc tố màu đen/nâu .
2. Các mô tế bào sắc tố màu vàng/đỏ .
3. Các mô tế bào phản quang .

Các mô tế bào sắc tố chất chứa màu đen/nâu thì ta không cần phải bàn thảo thêm, vì cái tên của chúng đã tự giải thích được màu sắc sẻ được tạo ra từ chúng . Tuy nhiên các mô tế bào sắc tố của màu vàng/đỏ cần được nói rộng ra thêm . Chúng ta nhận thấy được màu vàng hay đỏ là còn tùy thuộc vào các mô tế bào này có thể chất chứa nhiều về thể loại màu sắc nào . Thí dụ nếu cá rồng có huyết thống là huyết long, thì các mô tế bào sắc tố loại 2 này sẻ có khả năng lưu trử rất nhiều sắc tố đỏ, và ngược lại cho giống loại kim long vàng . Các bạn có thể hỏi còn loại huyết quá bối thì sao ? Câu trả lời sẻ là sự kết hợp giữa vàng và đỏ của các mô tế bào sắc tố loại 2. Lý do là vì, giờ đây trong huyết thống của con cá rồng huyết quá bối có sự huyết thống (genes) của hai dòng máu là đỏ và vàng ----> sẻ cho ra màu sắc phối hợp giữa đỏ và vàng là vàng/cam mà chúng ta thường thấy rất phổ thông trên vẩy của các con huyết quá bối .

Thế còn các màu sắc khác như xanh nước biển, xanh lá cây, hoặc tím v.v... mà chúng ta cũng vẩn thường thấy cho màu nên của các con cá rồng Châu Á thì sao ? Câu trả lời sẻ nằm trong các mô tế bào phản quang . Các mô tế bào phản quang, sẻ không sản xuất ra bất cứ màu sắc nào cả . Chức năng của các mô tế bào này là phản quang lại ánh sáng được rọi chiếu lên chúng . Tùy theo số lượng và vị trí phối trí của chúng, khi ánh đèn hay ánh sáng mặt trời rọi vào chúng, chúng sẻ phản chiếu lại qua các thủy ngân tinh tích tụ trong chúng --> và cho chúng ta những màu sắc nh+ : xanh lá cây, xanh nước biển, tím v.v... và sự phản chiếu óng ánh mà chúng ta nhận thấy được khi ngắm nhìn cá .

Đó là phần căn bản về các loại màu sắc của cá rồng mà chúng ta thường thấy được trên các con cá rồng mà các bạn đã phải phát thèm lên vì các nét đẹp được biểu lộ qua màu sắc của chúng . Tuy nhiên trong bài viết này chúng ta sẻ đi tìm hiểu và thảo luận rông ra thêm chút nữa về các trường hợp ngoại lệ về màu sắc của cá rồng như ALBINO, PLATINUM và AXANTHIC . Chúng ta không thể quán triệt được phương cách làm tính nhân/chia trước khi chúng ta thành thục về cộng và trừ . Hy vọng các bạn TV giờ đây đã thông hiểu được phần căn bản về màu sắc chủ yếu của cá rồng . Đây là lý do tại sao chúng ta phải cần năm bắt được phân căn bản về màu sắc thông thường nơi cá rồng như : vàng , đỏ, xanh, tím, độ bóng của vẩy v.v... trước khi chúng ta có thể bàn thảo đến các trường hợp ngoại lệ về màu sắc .

Thế nào là albino (tạm dịch là bạch tạng) và thế nào là axanthic (tạm dịch là kim tạng) và những liên quan đến màu platinum (tạm dịch là bạch kim aka vàng trắng ; chữ vàng trắng này học được tự bài viết của green trong chủ đề liên quan) ?

Tình trạng bach tạng về màu sắc (albino) sẻ xảy ra khi:

a. Sắc tố ĐEn bị giảm thiểu hoặc không thể tạo thành bởi cơ thể thiếu chất xúc tác cần thiết cho lộ đồ phản ứng hóa học này ( chemical pathway) . Các con cá rồng khi bị gene đột biến sẻ rơi vào tình trạng này, và những con cá rồng này sẻ màu sắc gần như trắng nhưng không hoàn toàn trắng như tuyết (aka platinum).

b. Xin các bạn lưu ý trong cơ thể của cá rồng còn có các mô tế bào sắc tố màu vàng đỏ (2) và phản quang(3) mà tôi đã đề cập bên trên . Phần còn lại của các môt tế bào loại 2 và 3 chính là lý do tại sao các bạn sẻ thấy được một số màu vàng nhạt, hoặc hồng nhạt trên các vị/vây/kỳ của cá .
Màu trắng của các con cá rồng rơi vào trong tình trạng bạch tạng (albino) được thể hiện như thể nào thì còn tùy thuộc vào số lượng protein melanin bị giảm thiểu hay thiêu vắng hoàn toàn trong cơ thể cá .

Những con cá rồng hội đủ hai yếu tố a và b bên trên ----> sẻ bị tình trạng bạch tạng và chắc chắn sẻ có cặp mắt đỏ . Đây là dấu chỉ để các bạn có thể chính xác nhận ra và phân loại cá rồng bị bạch tạng . Cá rồng bạch tạng (aka albino) phải bắt buộc có mắt đỏ .

Khi nào sẻ tạo ra tình trạng cá rồng platinum (rồng platinum thật 100% chứ không chơi kiểu ăn gian WTT )

Các bạn sẻ hỏi ấy thế còn các con cá rồng platinum chính hiệu 100% trắng như tuyết, và mắt thì lại đen thì từ đâu mà ra ?

Câu trả lời sẻ nằm trong phần lý giải tiếp theo ----> những con cá rồng nào hoàn toàn bị mất các mô tế bào sắc tố màu đen/nâu (1) và các mô sắc tố màu vàng/đỏ (2) và các mô tế bào phản quang (3) sẻ cho ra màu sắc trắng như tuyết ( màu trắng vàng aka platinum với mắt đen) ( Khi so sánh với con cá rồng bị BACH TẠNG thì chỉ mất đi các mô tế bào màu sắc đen/nâu (1) mà thôi ) .

Hy vọng khi đọc đến đây, các bạn sẻ hiểu thật rỏ ràng từ đâu có dòng cá rồng bạch tạng , dòng platinum, và những dấu chỉ cần thiết để nhận diện ra chúng .

Thứ đến là cá rồng AXANTHIC mà bạn haips và green đã đề cập trong một chủ đề liên quan . Vậy thì thế nào là AXANTHIC ? Trong nguồn gốc của tiếng Anh, chử a đứng trước một chữ có nghĩ riêng biệt sẻ có ý nghĩa ngược lai. Thí dụ chữ UAL = sinh lý hay những gì liên quan đến sinh lý ; AUAL = không sinh lý . Tương tự như thế, chữ XANTHIC= có nghĩa gốc là màu vàng ; AXANTHIC= không có màu vàng .

Nói tóm lại một con cá rồng được gọi AXANTHIC AROWANA (tạm dịch là kim tạng nhé :)) là những con cá rồng đã không có khả năng tạo nên và tích trử màu vàng/đỏ và các màu sắc giữa vàng và đỏ . Nếu chiếu theo căn bản màu sắc mà tôi đã đề cập bên trên về các mô tế bào sắc tố được phân loại theo thể loại: các mô tế bào sắc tố đen/nâu (1), các mô tế bào sắc tố vàng/đỏ (2) và các mô tế bào phản quang (3) ... thì ta có thể suy ra ngay những con cá rồng Axanthic arowana KHÔNG CÓ các mô tế bào sắc tố vàng/đỏ (2) .

Đây là lý do tại sao những con cá rồng Axanthic arowana thường sẻ thể hiện các màu đen/nâu, và chú gì pha lẩn xanh v.v.. vì các mô tế bào sắc tố (1) và (3) vẩn có thể được sản xuất, tích tụ và thực thi các chức năng của chúng .

Cám ơn các bạn đã đọc bài viết . Hy vọng là tôi đã giải thích được những màu gì liên quan đến màu sắc, và các trường hợp màu sắc cá biệt của cá rồng .

Long_Phạm
07-31-2014, 11:54 PM
Bài này a thấy wen wen hihi,lục lại trí nhớ thì nó của Mr Đại (vnreddevil) bên DĐCC :
http://www.diendancacanh.com/forum/showthread.php/35930-T%E1%BA%A3n-m%E1%BA%A1n-v%E1%BB%81-b%E1%BA%A1ch-t%E1%BA%A1ng-v%C3%A0-m%C3%A0u-tr%E1%BA%AFng

đúng rồi đó a. thấy dđ mình chưa có e vác về luôn

hathuykhue
08-01-2014, 11:45 AM
thank bác chủ , quá chi tiết và rõ ràng
////////